Đặc điểm lâm học của cây tràm gió tỉnh Thừa Thiên Huế
(Bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học và Công nghệ Nông nghiệp của các tác giả: Phạm Cường, Huỳnh Kim Hiếu, Nguyễn Lan Hương – trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế)
1. Tổng quan về cây tràm gió Việt Nam
Tràm gió (Melaleuca cajuputi Powell) là loài cây thân gỗ bản địa gỗ thuộc họ Sim (Mytarceae), có phạm vi phân bố rộng từ miền Trung đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả nghiên cứu cây tràm gió mọc tự nhiên ở Trung tâm Thực hành và Nghiên cứu Lâm nghiệp cho thấy nó có thể phân bố và sinh trưởng trên đất phèn, nghèo dinh dưỡng và bị úng nước nhưng không có khả năng sinh trưởng trên vùng đất ngập nước.
Rừng tràm gió có độ tán che chỉ đạt 0,1. Mật độ rừng tràm gió thấp và chỉ đạt 2.500 cây/ha. Hình thức tái sinh rừng tràm gió phổ biến là tái sinh sinh dưỡng chiếm tỷ lệ đến 85,0% tổng số cây con tái sinh trong khu vực sinh sống và mật độ cây tái sinh chỉ đạt 744,4 cây/ha.
Cây tràm gió 16 năm tuổi có chỉ tiêu sinh trưởng bình quân về chiều cao (HVN), đường kính (D1,3 – đường kính thân cây tại vị trí 1,3m) và DT (Đường kính tán) theo lần lượt là 6,97 m, 5,40 cm, 0,68m và tổng sinh khối rừng đạt bình quân 50,1 tấn/ha. Thời gian úng nước trong năm có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển và tái sinh của cây tràm gió. Trong đó, trên các vùng đất phèn có thời gian úng nước dưới 4 tháng cho sinh trưởng tốt nhất về chiều cao (8,71 m), đường kính (6,5 cm), đường kính tán (0,81 m) cũng như mật độ cây tái sinh (1.067 cây/ha) và sinh khối của rừng (84,168 tấn/ha).
Cần nghiên cứu những biện pháp kỹ nuôi dưỡng rừng, xúc tiến tái sinh tự nhiên và kỹ thuật làm đất để trồng cây tràm gió trên khu vực nghiên cứu hiệu quả.
2. Thực trạng phát triển cây tràm gió tại Thừa Thiên Huế.
Tràm gió (Melaleuca cajuputi Powell) là loài cây bản địa đa tác dụng, đa sinh thái, có giá trị về mặt kinh tế lấy gỗ, vỏ và tinh dầu. Ở Việt Nam, cây tràm gió phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Nam từ Huế vào đến tận các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Tinh dầu tràm có những tác dụng dược lý như chống cảm lạnh, làm ấm cơ thể; kháng khuẩn; xua đuổi côn trùng; sát trùng vết thương và một số bệnh về tiêu hóa.
Tinh dầu tràm Huế đã tồn tại, được sử dụng hàng trăm năm nay và trở thành thương hiệu một đặc sản địa phương, cũng như Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, diện tích tràm tự nhiên suy giảm nhanh chóng do nhu cầu sử dụng tinh dầu tràm tăng, phương pháp quản lý, khai thác và phát triển cây tràm gió tự nhiên chưa phù hợp
Từ những giá trị cũng như hiện trạng phân bố loài tràm gió, nghiên cứu một số đặc điểm lâm học của cây tràm gió (Melaleuca cajuputi Powell) phân bố tự nhiên tại Trung tâm Thực hành và Nghiên cứu Lâm nghiệp ở cơ sở Hương Vân, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế của nhóm tác giả có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất lớn nhằm cung cấp những cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển cây tràm gió tự nhiên bền vững, góp phần phát triển vùng nguyên liệu tràm gió ổn định ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
3. Nội dung và phương pháp nghiên cứu
3.1 Nội dung nghiên cứu
Các nội dung nghiên cứu để đánh giá đặc điểm lâm học của cây tràm gió như sau:
(1) Đặc điểm hình thái thân, vỏ, rễ, lá, hoa và quả;
(2) Đặc điểm sinh thái bao gồm đặc điểm tái sinh, tình hình cây bụi, thảm tươi và đất nơi có loài tràm phân bố.
(3) Tình hình sinh trưởng, cấu trúc tầng thứ, mật độ và sự phân bố của cây tràm gió trong khu vực.
3.2 Phương pháp nghiên cứu.
Vật liệu nghiên cứu: Rừng tràm gió mọc tự nhiên ở Trung tâm Thực hành và Nghiên cứu Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế được chăm sóc, quản lý, bảo vệ từ năm 2006 đến 2022
a) Nghiên cứu hình thái của loài tràm gió
Thu thập mẫu và mô tả đặc điểm hình thái của loài. Trên mỗi khu vực nghiên cứu chọn ngẫu nhiên 3 cây trưởng thành để thu thập mẫu vật và mô tả. Trong đó:
– Hình thái thân, vỏ và rễ cây được mô tả ngay trên hiện trường.
– Mẫu hoa, lá và quả được thu tại vị trí giữa tán cây, bảo quản trong túi nylon để đưa về phòng thí nghiệm đo đếm và xác định các chỉ tiêu.
b) Nghiên cứu đặc điểm sinh thái của loài tràm gió
- Đặc điểm tái sinh của loài tràm gió (hình thức tái sinh, chất lượng, mật độ, cây tái sinh triển vọng): Trên các khu vực tiêu chuẩn (diện tích 100 m2), tiến hành thu thập thông tin đánh giá đặc điểm tái sinh của loài với các chỉ tiêu ghi vào phiếu điều tra cây tái sinh gồm hình thức tái sinh, số lượng cây tái sinh, chất lượng cây tái sinh và cây tái sinh triển vọng (cây tái sinh có chiều cao trên 1 m, sinh trưởng và phát triển tốt, không cong queo sâu bệnh, không cụt ngọn, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2018). Cây tái sinh có phẩm chất tốt là những cây sinh trưởng mạnh, cân đối, không bị sâu bệnh, không cụt ngọn. Ngược lại, cây tái sinh phẩm chất kém là những cây còi cọc, sức sống kém, cong queo, sâu bệnh và cụt ngọn. Nhóm những cây tái sinh còn lại thuộc nhóm cây có phẩm chất trung bình.
- Đặc điểm cây bụi và thảm tươi nơi loài tràm gió phân bố tự nhiên: Trên các khu tiêu chuẩn diện tích 100 m2 ghi vào phiếu điều tra lập sẵn. Xác định tên loài ngay trên thực địa và những loài chưa xác định tên loài thì thu mẫu về phòng thí nghiệm.
- Một số đặc điểm đất chính tại nơi loài tràm gió phân bố: Khảo sát thực tế mô tả đặc điểm về loại đất, độ dày tầng đất và thu mẫu đất để phân tích xác định thành phần cơ giới đất (cát pha, thịt nhẹ-trung bình-nặng hay đất sét), dung trọng đất, độ pH của đất (đo bằng thiết bị đo pH cầm tay) và hàm lượng mùn. Mẫu đất thu thập được xử lý và phân tích tại Phòng thí nghiệm. Trong đó:
– Xác định thành phần cơ giới đất (gồm có các hạt sét, limon và cát trong đất) bằng phương pháp ống hút Robinson.
– Xác định dung trọng đất (trọng lượng của một đơn vị thể tích đất khô kiệt ở trạng thái tự nhiên, đơn vị là g/cm3) bằng phương pháp ống trụ kim loại (dung trọng = P/V, trong đó P là khối lượng đất tự nhiên trong ống trụ đóng sau khi đã được sấy khô kiệt và V là thể tích ống trụ).
– Xác định tỷ trọng theo phương pháp pycnometer và độ xốp (%) được xác định gián tiếp qua dung trọng (D) và tỷ trọng (d) theo công thức P = (1-D/d)*100.
– Phân tích hàm lượng mùn bằng phương pháp Walkley – Black.
c) Điều tra sinh trưởng rừng tràm gió tự nhiên
Lập khu tiêu chuẩn diện tích 100 m2 (10 m x10 m) để điều tra rừng tràm gió. Tổng số khu vực điều tra là 09 khu và được lập phân bố trên 3 dạng lập địa (điều kiện nơi sinh trưởng, tổng hợp các yếu tố ngoại cảnh tác động lên dạng thực vật)khác nhau, bao gồm:
- Dạng 1: Đất phèn có thời gian úng nước dưới 4 tháng trong năm;
- Dạng 2: Đất phèn có thời gian úng nước từ 5-6 tháng trong năm.
- Dạng 3: Đất phèn có thời gian úng nước trên 6 tháng trong năm.
Trên mỗi dạng lập địa lập 03 khu để đo đếm các chỉ tiêu sinh trưởng, cấu trúc rừng, tái sinh cũng như thành phần cây bụi và thảm tươi dưới tán rừng tràm gió. Thời điểm lập khu điều tra sinh trưởng rừng tràm vào giai đoạn này khi thời tiết khô ráo, thuận lợi cho quá trình đo đếm trên hiện trường.
Điều tra các chỉ tiêu sinh trưởng cây tràm gió trên mỗi khu: Xây dựng phiếu điều tra để thu thập số liệu gồm:
– Chiều cao vút ngọn (HVN)
– Đường kính ngang ngực (D1.3)
– Đường kính tán cây (DT), phẩm chất cây (Tốt, trung bình, xấu) và tình hình sâu bệnh.
– Tiêu chí để đánh giá phẩm chất cây: Cây tốt là cây sinh trưởng tốt, tán cân đối, không sâu bệnh và nhóm cây ở tầng trên của tán rừng. Cây xấu là cây cong queo, sâu bệnh, tán lệch, gãy ngọn và thường nằm dưới tán rừng.
– Xác định vị trí tọa độ theo trục hoành và trục tung dựa trên 2 cạnh của OTC để lấy số liệu vẽ trắc đồ dọc và trắc đồ ngang của lâm phần.
4. Kết quả và thảo luận
4.1 Điều kiện cơ bản khu vực nghiên cứu
Đất nghiên cứu có địa hình đồi núi thấp, có độ cao so với mực nước biển từ 4 đến 15 m, nghiêng dần về hướng Đông Bắc và chịu ảnh hưởng chung của thời tiết khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm trung bình 85%, nhiệt độ trung bình 25 độ C.
Khí hậu ở khu vực nghiên cứu được chia hai mùa rõ rệt:
– Mùa nắng từ tháng 3 đến tháng 8, thời gian khô hạn kéo dài, gây khó khăn cho sản xuất và sinh trưởng cây trồng;
– Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, lượng mưa trung bình 2.300 mm, trong đó tháng 10 và tháng 11 thường bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão, lượng mưa của hai tháng này thường bằng 60 – 70% lượng mưa cả năm. Đây là thời gian thường phải hứng chịu “thiên tai kép” do nhiều cơn bão lớn từ biển, đi kèm theo lũ từ thượng nguồn sông Bồ đổ về.
Tổng số giờ nắng trong năm ở khu vực này đạt 1.900 giờ. Độ ẩm trung bình năm khoảng 87% và tập trung vào các tháng mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 02 năm sau và độ ẩm giảm trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8.
4.2 Đặc điểm hình thái loài tràm gió mọc tự nhiên tại khu vực nghiên cứu
Hình thái thân cây: Tràm gió bản địa thuộc nhóm cây gỗ cao. Chiều cao cây tràm gió dao động từ 4,7 m đến 7,7 m; vỏ màu xám trắng và bóng mượt đối với cây non và chuyển sang màu xám nâu tạo thành nhiều lớp sần sùi khi cây đạt trên 10 năm tuổi (Ảnh).
Cây tràm gió có khả năng phân cành cao và chiều cao dưới cành thấp nếu không có biện pháp tỉa cành tạo hình cho cây ở giai đoạn đầu.
Hình thái lá: Lá cây tràm gió có phiến thon ở cả hai đầu phần cuống và ngọn. Lá tràm gió mọc xếp xen kẽ và phân bố ở đầu cành (Ảnh). Lá có chiều dài từ 7-8 cm, chiều rộng bình quân 2,1 cm; lá không lông và có 3-7 gân phụ. Lá non có màu sáng bạc và chuyển màu xanh thẫm lúc lá già.
Hình thái hoa và quả: Hoa tràm gió ra ở đầu cành với các cụm hoa hình trụ có 8 – 16 chùm hoa, mỗi chùm có 3 hoa và khi nở có màu trắng kem. Cây tràm gió ra hoa từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Đoạn cành sau khi ra hoa, đầu cành lại mọc lá để tiếp tục sinh trưởng, phát triển. Đài và tràng nhỏ, nhị nhiều, trắng, dài 10-12 mm (Ảnh 3). Quả nang nhỏ nằm trong đài; quả tràm gió có hình tròn mọc dọc theo cành cây và có đường kính 1,9 – 2,6 mm. Trên cành cây mang quả 1 năm tuổi và 2 năm tuổi. Quả sau 2 năm tuổi bắt đầu khô và mở để phát tán hạt giống (Ảnh 4).
4.3 Đặc điếm sinh thái của cây tràm gió.
a) Đặc điểm phân bố của cây tràm gió
Tràm gió có biên độ sinh thái phân bố rất rộng, có thể ở vùng cát ven biển đến vùng ngập nước và trên đất đồi núi. Cây tràm chịu ngập nước nhưng không ưa ngập nước như nhiều loài cây ngập nước ngọt và nước lợ khác.
Đặc điểm đất đai ở khu vực cây tràm gió phân bố tự nhiên:
Bảng 1. Một số đặc điểm lý hóa tính của đất tại vùng tràm gió mọc tự nhiên
Đặc điểm đất | Đơn vị tính | Giá trị |
Sa cấu đất | Thịt nặng | |
Tỷ lệ cát | % | 10,1 |
Tỷ lệ thịt | % | 37,6 |
Tỷ lệ sét | % | 52,3 |
Dung trọng | g/cm3 | 1,45 |
Tỷ trọng | g/cm3 | 1,97 |
Độ xốp | % | 25,6 |
pHKCl | Độ pH | 3,9 |
Hàm lượng mùn | % | 1,2 |
Bảng 1 cho thấy đất ở khu vực cây tràm gió phân bố có thành phần cơ giới thịt nặng. Tỷ lệ các cấp hạt sét, thịt và cát theo lần lượt là 52,3%, 37,6% và 10,1%. Dung trọng và tỷ trọng có giá trị 1,45 và 1,97 g/cm3 theo thứ tự. Đất có độ pH thấp (pH = 3,9), đất chua và nghèo chất hữu cơ (hàm lượng mùn chỉ đạt 1,2%)
Phân bố cây tràm gió tại khu vực nghiên cứu: Cây tràm sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở các vị trí ven suối, dọc bờ đường đi, những nơi đất ẩm và tốt. Ở dưới tán rừng trồng, cây tràm gió tái sinh chồi mạnh nhưng sinh trưởng, phát triển kém do thiếu ánh sáng. Ở những vùng ngập úng không phát hiện cây tràm gió xuất hiện.
b) Đặc điểm tái sinh cây tràm gió.
Tràm gió có khả năng tái sinh tự nhiên cao và có hai hình thức tái sinh chính là tái sinh hạt và tái sinh chồi qua gốc hay rễ cây mẹ. Đây là một trong những đặc điểm có ý nghĩa rất lớn trong quá trình tự phục hồi, nâng cao chất lượng rừng thông qua tái sinh tự nhiên. Bảng 2 mô tả những đặc điểm tái sinh cây tràm gió tại khu vực nghiên cứu.
Bảng 2. Đặc điểm tái sinh dưới tán rừng tràm gió mọc tự nhiên
Khu vực tiêu chuẩn | Số cây (cây) | Nguồn gốc (%) | Mật độ (cây/ha) | |
Chồi | Hạt | |||
1 | 13,0 | 69,2 | 30,8 | 1.300,0 |
2 | 11,0 | 81,8 | 18,2 | 1.100,0 |
3 | 8,0 | 75,0 | 25,0 | 800,0 |
4 | 9,0 | 88,9 | 11,1 | 900,0 |
5 | 6,0 | 66,7 | 33,3 | 600,0 |
6 | 7,0 | 100,0 | 0,0 | 700,0 |
7 | 4,0 | 100,0 | 0,0 | 400,0 |
8 | 6,0 | 83,3 | 16,7 | 600,0 |
9 | 3,0 | 100,0 | 0,0 | 300,0 |
Trung bình | 7,4 | 85,0 | 15,0 | 744,4 |
Số lượng cây tái sinh trên ô tiêu chuẩn diện tích 100 m2 dao động từ 3,0 đến 13,0 cây/OTC và có sự chênh lệch đáng kể giữa các OTC điều tra. Cây con tái sinh chủ yếu từ hình thức tái sinh sinh dưỡng và phổ biến là từ rễ cây mẹ (chiếm tỷ lệ 85,0%) và một tỷ lệ nhỏ cây con tái sinh từ hạt (chiếm tỷ lệ 15,0%). Kết quả phân tích cho thấy mật độ cây tràm gió tái sinh dao động từ 300 đến 1.300 cây/ha. kết quả đánh giá cho thấy rằng tỷ lệ cây tràm gió tái sinh tại khu vực nghiên cứu ở mức thấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi và phát triển của rừng tràm nếu không có các biện pháp tác động từ bên ngoài.
c) Đặc điểm cây bụi và thảm tươi dưới tán rừng tràm gió
Thành phần loài cây bụi và thảm tươi dưới tán rừng tràm gió ở mức độ đa dạng thấp. Trong đó, các loài lấu (Psychotria rubra (Lour.) Poir.), mua (Melastoma normale D. Don), chạt chìu (Tetracera scandens (L.) Merr.) và dương xỉ (Microsorum pteropus (Blume) Copel.) có xác suất xuất hiện cao so với các loài còn lại.
Kết quả phân tích này cho thấy đất đai nghèo dinh dưỡng, bị nhiễm phèn, thường xuyên úng nước vào mùa mưa và đất khô cằn vào mùa nắng đã có những ảnh hưởng nhất định đến sự đa dạng thành phần loài cây bụi và thảm tươi dưới tán rừng tràm gió ở khu vực nghiên cứu.
4.4 Sinh trưởng và trữ lượng rừng tràm gió.
a) Mật độ và phẩm chất cây tràm gió
Mật độ và phẩm chất cây ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng của rừng cũng như năng suất, chất lượng rừng trong kinh doanh. Đối với rừng tràm gió tự nhiên, mật độ và phẩm chất cây còn chứng minh mức độ ảnh hưởng của nhứng điều kiện tác động đến sinh trưởng và chất lượng của rừng hiện tại để từ đó có những biện pháp kỹ thuật lâm sinh tác động phù hợp trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng rừng tràm gió.
Bảng 3. Mật độ và phẩm chất cây tràm gió tại khu vực nghiên cứu
Dạng lập địa | Mật độ (cây/ha) | Phẩm chất cây (%) | ||
Tốt | Trung bình | Xấu | ||
Dạng lập địa 1 | 2.833 | 67,3 | 9,6 | 23,1 |
Dạng lập địa 2 | 2.767 | 66,0 | 20,0 | 13,9 |
Dạng lập địa 3 | 1.900 | 54,1 | 9,8 | 36,1 |
Trung bình | 2.500 | 62,5 | 13,1 | 24,4 |
Số liệu bảng 3 chứng tỏ rằng mật độ rừng tràm gió mọc tự nhiên thưa thớt, chất lượng rừng ở mức độ dưới trung bình. Yếu tố lập địa có ảnh hưởng nhất định đến sinh trưởng của cây, từ đó đã ảnh hưởng đến mật độ của rừng hiện tại
b) Sinh trưởng đường kính, chiều cao và đường kính tán cây tràm gió
Bảng 4. Sinh trưởng đường kính, chiều cao và đường kính tán cây tràm gió mọc tự nhiên
Dạng lập địa | Giá trị trung bình các chỉ tiêu sinh trưởng | ||
HVN (m) | D1.3 (cm) | DT (m) | |
Dạng lập địa 1 | 8,71 ± 0,30 | 6,5 ± 0,24 | 0,81 ± 0,04 |
Dạng lập địa 2 | 6,41 ± 0,23 | 5,2 ± 0,18 | 0,7 ± 0,04 |
Dạng lập địa 3 | 5,80 ± 0,19 | 4,4 ± 0,22 | 0,53 ± 0,03 |
Trung bình | 6,97 ± 0,24 | 5,4 ± 0,21 | 0,68 ± 0,04 |
Bảng 4 cho thấy cây tràm gió 16 năm tuổi có chiều cao vút ngọn bình quân đạt 6,97 m, đường kính 1,3 m là 5,4 cm và đường kính tán khoảng 0,68 m. Sinh trưởng về HVN, D1.3 và DT của cây tràm gió mọc tự nhiên có sự chênh lệch lớn giữa các dạng lập địa tại khi vực nghiên cứu. Trong đó cây tràm gió mọc ở vùng lập địa khô ráo, ít bị úng nước có các chỉ tiêu sinh trưởng lớn nhất (HVN = 8,71 m, D1.3 = 6,5 cm và DT = 0,81 m), giảm dần ứng với các dạng lập địa có thời gian bị úng nước tăng dần và cho giá trị thấp nhất ở dạng lập địa có thời gian úng nước trên 6 tháng trong năm (HVN = 5,80 m, D1.3 = 4,4 cm và DT = 0,53 m). Kết quả nghiên cứu này phù hợp với những nghiên cứu ảnh hưởng của mực nước ngập đến sinh trưởng cây tràm 6 năm tuổi ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.
Cần có những biện pháp kỹ thuật vệ sinh rừng, chặt bỏ những cây phẩm chất kém, tạo không gian dinh dưỡng và ánh sáng cho các cá thể tốt phát triển. Bên cạnh đó thúc đẩy quá trình tái sinh tự nhiên để nâng cao năng suất và chất lượng rừng tràm gió.
c) Sinh khối của rừng tràm gió
Sinh khối của rừng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất lớn trong sản xuất, kinh doanh rừng trồng, đặc biệt về giá trị tích lũy các bon và sinh thái môi trường. Kết quả đánh giá tổng sinh khối trung bình của cây tràm gió và sinh khối của rừng quy đổi trên đơn vị diện tích 1 ha được trình bày ở Bảng 5.
Bảng 5. Tổng sinh khối cây và sinh khối của rừng tràm gió
Dạng lập địa | Mật độ (cây/ha) | Tổng sinh khối cây (kg/cây) | Sinh khối của rừng (tấn/ha) |
Đạng lập địa 1 | 2.833 | 29,71 | 84.168 |
Dạng lập địa 2 | 2.767 | 16,84 | 46.596 |
Dạng lập địa 3 | 1.900 | 10,28 | 19.532 |
Trung bình | 2.500 | 18,94 | 50.099 |
Rừng tràm mọc tự nhiên sau khi áp dụng biện pháp tỉa chồi gốc, sau 16 năm bình quân mỗi cây cho tổng sinh khối đạt 18,94 kg/cây và sinh khối của 1 ha rừng tràm gió đạt bình quân khoảng 50,099 tấn/ha.
5. Kết luận.
Rừng tràm gió phân bố tự nhiên tại khu vực nghiên cứu trên điều kiện lập địa đất phèn nghèo dinh dưỡng, úng nước từ 4 tháng đến trên 6 tháng trong năm. Cấu trúc rừng tràm đơn ưu có tầng cây bụi và thảm tươi dưới tán rừng nghèo về thành phần loài. Rừng tràm gió có mật độ thưa, tỷ lệ cây tái sinh thấp và chất lượng kém với hình thức tái sinh từ rễ và gốc cây mẹ là chủ yếu, chiếm tỷ lệ lên đến 85,0%. Sinh trưởng về đường kính (D1.3 = 5,4 cm), chiều cao vút ngọn (HVN = 6,97) và đường kính tán (DT = 0,68 m) của rừng tràm gió ở mức độ dưới trung bình và chịu ảnh hưởng lớn bởi thời gian úng nước trong năm. Trong đó, sinh khối rừng tràm gió tự nhiên trên dạng lập địa có thời gian úng nước dưới 4 tháng trong năm cho sinh trưởng và khả năng tái sinh cũng như sinh khối rừng cao nhất với 84,168 tấn/ha. Cần tiến hành nghiên cứu các biện pháp tác động xúc tiến tái sinh tự nhiên cũng như trồng bổ sung nhằm nâng cao năng suất và chất lượng của rừng tràm gió trong thời gian tới.
6. Tinh dầu tràm gió sản xuất tại VIPSEN
VIPSEN là một trong những nhà nghiên cứu và sản xuất tinh dầu tự nhiên hàng đầu tại Việt Nam. Các sản phẩm tinh dầu được sản xuất theo phương pháp tiên tiến, đạt chất lượng cao với 100% thành phần tự nhiên, không có chất phụ gia hay có sự pha trộn.
Sản phẩm tinh dầu tràm gió được VIPSEN sản xuất từ nguồn nguyên liệu chọn lọc, từ những vùng trồng nguyên liệu nổi tiếng tại Việt Nam như Huế, Quảng Bình… Quy trình sản xuất từ khâu gieo trồng, thu hoạch nguyên liệu cho đến sản xuất, bảo quản thành phẩm luôn được theo dõi chặt chẽ bởi đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm. Sản phẩm tinh dầu tràm gió của VIPSEN không những được ưa chuộng tại Việt Nam mà còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
SĐT/Whatsapp/Zalo/Wechat: +84 868 855 086
Email: Info@Vipsen.vn
Địa chỉ: D7-TT9, đường Forosa, khu đô thị mới Xuân Phương, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Địa chỉ nhà máy: Bãi Dài, Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội.
Chia sẻ bài viết này đến bạn bè của bạn
Giúp bạn bè cuả bạn tiếp thu những kiến thức thú vị từ VIPSEN