Sự khác nhau giữa cây húng quế và cây hương nhu
Đôi khi chúng ta nhầm lẫn giữa cây húng quế và hương nhu trong cuộc sống hàng ngày. Mặc dù cây hương nhu và cây húng quế đều là loài thân thảo, có thân hình vuông và hương thơm nồng ấm tương đối giống nhau, nhưng đây là hai loài cây hoàn toàn khác nhau. Cùng VIPSEN tìm hiểu nhé
1. Tổng quan về cây hương nhu.
1.1 Đặc điểm cây hương nhu.
Trong tự nhiên, cây hương nhu được phân loại như sau:
– Cây hương nhu tía (tên khoa học là Ocimum Sanctum L)
– Cây hương nhu trắng (tên khoa học là Ocimum Gratissimum L)
Hương nhu tía (Ocimum Sanctum L), ở miền trung và miền Nam Việt Nam còn gọi là é rừng hay é tía. Đây là loại cây nhỏ, thân vuông, khi trưởng thành có thể cao từ 0.5-1m. Thân cây và cành thường có màu tía, được bao phủ bởi lớp lông mịn. Lá có cuống dài, mọc đối nhau, thuôn hình mác hay hình trứng, dài 1-5cm, mép có răng cưa, 2 mặt đều có lông. Lá có màu tía hoặc nâu đỏ. Hoa mọc đầu cành, có màu tím, mọc thành chùm, xếp thành từng vòng từ 6 đến 8 bông trên chùm, ít khi phân nhánh. Lá và hoa có mùi thơm đặc gần giống đinh hương.
Cây hương nhu trắng (Ocimum gratissimum L.), ở miền Trung và miền Nam Việt Nam còn gọi là é lá lớn hay húng giổi tía, là một cây thường cao hơn hương nhu tím, thân vuông (cây trưởng thành cao từ 1-2m. Lá màu xanh, mọc đối nhau, có cuống ngắn, phiến lá dài 5-10cm, phía cuống thon, mép có răng cưa. mặt trong lá có lông. Hoa nhỏ, xếp thành chùm, đôi khi ở phía dưới có phân nhánh. Hạt nhỏ hình cầu. Hạt không nở và không có chất nhầy bao quanh khi cho vào nước. Mùi thơm dịu nhẹ hơn hương nhu tía.
1.2 Điều kiện sinh trưởng.
Cây hương nhu ưa khí hậu nhiệt đới nóng ẩm với nhiệt độ trung bình từ 25-30 độ C. Ở vùng núi cao khí hậu cận nhiệt kèm hơi lạnh khiến cây khó phát triển. Cây dễ sống, ưa ẩm, ưa ánh sáng mặt trời, phù hợp với nhiều loại đất. Tuy nhiên cây khó phát triển ở những vùng ngập úng. Bên cạnh việc phát triển tự nhiên, cây được gieo trồng bằng hạt, sau 6 tháng bắt đầu thu hoạch. Cây sống lâu, thành cây bụi cho nên trồng một lần có thể thu hoạch nhiều năm.
Tại Việt Nam, Hương nhu được tìm thấy và được trồng nhiều nhất ở các tỉnh miền Bắc như Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Dương, Hưng Yên,…
Ngoài ra, dược liệu này còn trồng ở một số nước nhiệt đới như Ấn Độ, Campuchia, Lào, Thái Lan, Philippin, v.v…
Trước đây ở Việt Nam, hương nhu chỉ trồng một ít để dùng làm thuốc. Khi cây đang ra hoa thì hái về, thu hoạch toàn cây, phơi khô trong mát để dùng làm thuốc. Sau đó, nhận ra giá trị kinh tế to lớn, Việt Nam đã phát triển loài hương nhu trắng (trồng và khai thác những cây mọc hoang) để cất tinh dầu dùng trong nước và xuất khẩu.
1.3 Tác dụng của cây hương nhu.
Cây hương nhu có vị cay, tính ấm, phù hợp với việc giải cảm trong y học cổ truyền. Ngoài ra, cây hương nhu còn có nhiều tác dụng tuyệt vời khác như:
– Ngừa hôi miệng, sâu răng
– Tác dụng giải cảm, chữa đau bụng, tiêu chảy
– Chống viêm da, trị mụn, xử lý vết thương..
– Giúp bảo vệ dạ dày, cải thiện hệ tiêu hoá
– Hỗ trợ hệ hô hấp, chữa viên xoang, xử lý dịch nhầy
– Giúp giảm cholesterol máu
– Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
– Tác dụng chăm sóc tóc và da đầu
– Giàu vitamin A, tốt cho mắt
1.4 Tinh dầu hương nhu.
Hương nhu trắng chứa 0,78 – 1,38% tinh dầu. Trong đó, hàm lượng tinh dầu trong hoa là 2,77%, lá là 1,38%, toàn cây là 1,14%, (tính trên trọng lượng khô tuyệt đối). Dược điển Việt Nam IV qui định dược liệu phải chứa ít nhất 1% tinh dầu.
Tinh dầu hương nhu trắng là chất lỏng màu vàng đến nâu vàng. Thành phần chính của tinh dầu là eugenol (60 – 70%) có nơi đạt trên 70%. Các thành phẩn khác: 1,8-Cineole, Estragole, B-Bisabolene, (Z)-a-Bisabolene, D- germacren, cis β-ocimen. Dược điển Việt Nam IV qui định hàm lượng eugenol không dưới 60%.
Hương nhu tía có hàm lượng tinh dầu từ khi cây bắt đầu có hoa đến lúc ra hoa là 1.08 – 1.62%. Thành phần hoá học chính là Eugenol, với tỷ lệ khoảng 40-50%, ngoài ra có các hợp chất sequiterpen khác như Elemen 21%, – carophylen 22.2%, – humulen 1,3%, caryphylen oxyd 0.8%, elemol 0.6%
Do hàm lượng eugenol cao, hương nhu trắng chủ yếu được dùng làm nguyên liệu chưng cất tinh dầu. Tinh dầu hương nhu trắng có giá trị cao trong việc sản xuất Eugenol, dùng trong nha khoa, tổng hợp Vanillin, hay nhiều sản phẩm dược mỹ phẩm khác.
2. Tổng quan về cây húng quế
2.1 Đặc điểm cây húng quế
Húng quế có tên khoa học là Ocimum basilicum L., thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Cây được trồng nhiều ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ và các vùng khí hậu ôn đới khác trên thế giới. Ở Việt Nam, cây được trồng khắp các địa phương từ Bắc vào Nam.
Húng quế là loài thảo mộc, có, thân vuông, cao khoảng 40 – 50 cm, có khi cao hơn tùy chất đất và khoảng cách trồng. Cây có nhiều cành.
Lá hình trứng hoặc hình elip, mọc đối, các chồi thường hay đâm ra từ các nách lá nên cành húng quế thường xum xuê. Lá màu lục xanh có loại màu tím đen nhạt. cuống lá ngắn từ 1-2cm. Hoa nhỏ màu trắng hay tía, mọc thành chùm đơn hay phân nhánh với những hoa mọc thành vòng có từ 5 đến 6 hoa. Cây có mùi nồng, ngọt, có vị hơi giống hoa hồi.
Quả chứa hạt đen nhánh khi ngâm vào nước có chất nhầy màu trắng bao quanh. Rễ mọc nông, ăn lan trên mặt đất .
2.2 Điều kiện sinh trưởng
Húng quế thích nhiệt độ khoảng 25 – 30oC nên tại Việt Nam có thể trồng được quanh năm, trên nhiều địa hình, nhiều vùng miền. Tuy nhiên do sự khác nhau về thời tiết mà thời vụ gieo trồng thích hợp tại các vùng sẽ khác nhau. Miền Bắc thì nên gieo hạt vào tháng 2-3, sau đó trồng vào tháng 4-5. Còn miền Nam nên thực hiện vào vụ đông. Tức là gieo hạt vào tháng 11-12 rồi trồng vào tháng 01-02.
Húng quế yêu cầu đất đai giống như cây bạc hà, rau thơm. Do đặc điểm cây húng quế cần đất nhiều mùn, xốp, thoát nước tốt, nên húng quế thường được trồng quanh vườn, đất cao hoặc phải lên luống. Sau khi thu hoạch hoa màu xong, cày đất, phơi ải một vài tuần, bừa kỹ, là đã sẵn sàng để gieo hạt.
Có thể gieo trồng bằng hạt. Tuy nhiên, để có thu hoạch nhanh hơn, không tốn thời gian, nhân dân thường trồng bằng cách chiết cành. Bởi lẽ, loài thực vật này còn có khả năng phục hồi nhanh sau khi bị cắt ngọn.
2.3 Tác dụng của cây húng quế
Húng quế vừa là thảo dược, vừa là loại rau có mùi thơm dùng để làm rau gia vị trong các bữa ăn hàng ngày, thường dùng để ăn sống, ăn chung với nhiều loại thực phẩm từ thịt, nội tạng động vật. Húng quế chứa nhiều đạm, có khoảng 6% lượng protein, cùng với nhiều vitamin, khoáng chất có lợi cho sức khoẻ.
Lá và hoa húng quế có nhiều hợp chất hoá học có tác dụng tốt cho chơ thể như:
– Chống viêm, nhiễm trùng, nấm
– Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, chống oxy hoá.
– bảo vệ da, kháng khuẩn, trị mụn
– Hỗ trợ chữa cảm cúm, ho, sổ mũi và các bệnh về đường hô hấp.
– Hỗ trợ chữa bệnh trầm cảm, các bệnh lý về tinh thần.
– Tăng cường sức khoẻ tim mạch
– Cải thiện chức năng tiêu hoá
– Tăng cường sức khoẻ răng miệng
…
2.4 Tinh dầu húng quế
Hàm lượng tinh dầu trong cây húng quế có tỷ lệ khoảng 0,4 – 0,8%.
Tinh dầu húng quế có màu vàng nhạt, thơm nhẹ.
Kết quả phân thích GCMS cho thấy tinh dầu húng Quế Việt Nam có thành phần chính là Metyl Chavicol chiếm từ 80% trở lên. Đây là tỷ lệ rất cao khi so sánh với tinh dầu cây húng quế trồng tại Cộng Hòa Nam Phi (41,4%), Ai Cập (27,82%), Ấn Độ (38,30%)…
3. Kết luận về sự khác nhau giữa hương nhu và húng quế.
Tại Việt Nam, hương nhu trắng được trồng phổ biến hơn hương nhu tía để chưng cất tinh dầu, do đó, trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào những điểm khác nhau giữa hương nhu trắng và húng quế.
3.1 Đặc điểm chung:
Cây húng quế và hương nhu có một số đặc điểm chung như:
– Thân vuông.
– Lá xanh, cuống ngắn, mọc đối.
– Hoa xếp thành vòng liên tiếp trên cụm hoa, mỗi vòng có từ 5-6 hoa.
– Quả được bao bởi đài hoa, mỗi quả có một hạt.
– Có công dụng tốt trong dược mỹ phẩm, cải thiện tiêu hóa, chữa các bệnh về đường hô hấp…
3.2 Điểm khác nhau.
Đặc điểm | Cây Hương Nhu Trắng | Cây Húng Quế |
Thân Cây | – Cây trưởng thành cao khoảng từ 1,5 – 2m – Thân và cành có màu xanh | – Cây trưởng thành cao từ 40cm đến 50cm – thân và cành có màu tía |
Lá cây | – Lá mọc đối chéo. – Phiến lá thuôn hình mũi mác. – Hai mặt lá có nhiều lông – Mặt dưới lá có màu xanh nhạt so với mặt trên. – Mép lá có răng cưa. – Không dùng làm rau gia vị. Chỉ dùng làm thuốc chữa bệnh | – Lá mọc đối hình chữ thập. – Lá có hình trứng hoặc hình elip. – Hai mặt lá đều có màu xanh lục và nhẵn. – Hai mặt lá có màu xanh đồng đều – mép lá nguyên hoặc có răng cưa nhẹ. – Vừa dùng làm thuốc, vừa là một loại rau gia vị được yêu thích. |
Hoa và quả | – hoa có màu trắng – Cuống và và đài hoa đều có lông phủ trên bề mặt – Cụm hoa chia nhánh | – Hoa có màu trắng hoặc tím – Hoa mọc thành chùm , tạo thành vòng khoảng 5-6 hoa nhỏ, không có long phủ trên bề mặt. – Cụm hoa thẳng đứng |
Hạt | Hạt không nở và không có chất nhầy bao quanh khi cho vào nước | – Hạt nở và có chất nhầy bao quanh khi cho vào nước. |
Tinh dầu | – Chất lỏng màu vàng đến màu nâu vàng – Mùi thơm ngọt, có chút cay nồng, hơi giống mùi chanh kết hợp với cam thảo. – Thành phần chính là Eugenol (hàm lượng từ 65%) | – Chất lỏng màu vàng nhạt – Mùi hăng, nồng, hơi giống mùi hoa hồi. – Thành phần chính là Methyl Chavicol (Hàm lượng từ 78%) |
4. Tinh dầu húng quế và tinh dầu hương nhu sản xuất tại VIPSEN.
VIPSEN là một trong những nhà nghiên cứu và sản xuất tinh dầu tự nhiên hàng đầu tại Việt Nam. Các sản phẩm tinh dầu được sản xuất theo phương pháp tiên tiến, đạt chất lượng cao với 100% thành phần tự nhiên, không có chất phụ gia hay có sự pha trộn.
Sản phẩm tinh dầu húng quế và hương nhu được VIPSEN sản xuất từ nguồn nguyên liệu chọn lọc, chất lượng tốt. Trong đó nguyên liệu húng quế được thu hoạch từ nguồn nguyên liệu rộng lớn hơn 200ha tại các vùng trồng như Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam, Phú Thọ… Hương nhu được thu hoạch tại các vùng như : Điện Biên, Tuyên Quang, Hòa Bình … Quy trình sản xuất từ khâu gieo trồng, thu hoạch nguyên liệu cho đến sản xuất, bảo quản thành phẩm luôn được theo dõi chặt chẽ bởi đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm. Sản phẩm tinh dầu của VIPSEN không những được ưa chuộng tại Việt Nam mà còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Thị trường chính: USA, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia…
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
SĐT/Whatsapp/Zalo/Wechat: +84 868 855 086
Email: Info@Vipsen.vn
Địa chỉ: D7-TT9, đường Forosa, khu đô thị mới Xuân Phương, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Địa chỉ nhà máy tinh dầu: Bãi Dài, Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội.
Địa chỉ nhà máy chế biến gia vị nông sản: Thủ Độ, An Tường, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Chia sẻ bài viết này đến bạn bè của bạn
Giúp bạn bè cuả bạn tiếp thu những kiến thức thú vị từ VIPSEN