Tổng Quan Về Dầu Neem – Đa Năng, Đa Tác Dụng
Trong lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm, dầu neem đã thể hiện hiệu quả đáng kể khi được bổ sung vào các sản phẩm làm đẹp da, trẻ hoá làn da, nuôi dưỡng tóc, xà phòng hay các sản phẩm liên quan đến tóc và da đầu như chống rụng tóc, trị bã nhờn, gàu, vảy nến… Bên cạnh đó, dầu neem có tác dụng xua đuổi muỗi, có khả năng thay thế các sản phẩm xua đuổi muỗi từ hoá chất như DEET (N,N–diethyl–meta–toluamid). Dầu neem đang ngày càng cho thấy những giá trị cao về mặt sức khoẻ đời sống và kinh tế. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số đặc điểm, tính chất và ứng dụng của dầu Neem được sản xuất tại Việt Nam.
1. Tổng quan về cây Neem.
1.1 Đặc điểm thực vât.
Cây neem hay Sầu đâu, Xoan Trắng (Azadirachta indica A. Juss) là cây thường xanh thuộc họ xoan (Meliaceae), có nguồn gốc từ Ấn Độ và Đông Nam Á, được trồng nhiều ở các vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới. Tại Việt Nam, loài cây này được du nhập và trồng ở các vùng khô cằn thuộc tỉnh Ninh Thuận nhằm chống hoang hóa, sa mạc hóa với diện tích khoảng 2000 hecta. Một số đặc điểm của cây:
- Cây sinh trưởng nhanh, có chiều cao trung bình từ 15 đến 20m.
- Thân thẳng, cành dài, có tán lá rộng. Thân cây có vỏ thô màu nâu sẫm, các vết nứt dọc được ngăn cách bởi các đường gờ phẳng.
- Lá kép, không có lông tơ, mọc so le, hình mác, dài 6-8 cm, rộng từ 2-3 cm.
- Học mọc thành cụm ở dưới nách lá. Cánh hoa hình trứng, màu trắng, có mùi thơm ngọt ngào. Hoa nở từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm
- Quả hạch, màu vàng, hình elip và nhẵn, dài 12-20mm. Quả non có màu xanh, khhi chín chuyển sang màu vàng, mùi hơi giống mùi tỏi. Quả chín từ tháng 5 đến tháng 8 tùy theo vùng trồng khác nhau. Cây neem trưởng thành cho năng suất quả khá cao, mỗi cây hàng năm trung bình cho từ 20 đến 30kg quả.
- Nhân hạt từ quả có chứa nhiều dầu. Thường thu dầu từ nhân hạt bằng phương pháp ép lạnh hoặc chiết xuất bằng dung môi. Phương pháp ép thường cho dầu có chất lượng cao hơn.
1.2 Điều kiện sinh trưởng
Cây Neem được trồng phổ biến ở các vùng khô nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cây đặc biệt ưa sáng, sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, mặc dù lượng mưa ở vùng Ninh Phước (Ninh Thuận) được coi là thấp nhất Việt Nam. Cây trồng thích nghi cao với thời tiết nắng nóng có gió cát thường xuyên của vùng bán hoang mạc.
1.3 Phân bố.
Cây neem có nguồn gốc từ đông Ấn Độ và Myanmar, Đông Nam Á và Tây Phi, và gần đây là vùng Caribe, Nam và Trung Mỹ. Ở Ấn Độ, cây mọc tự nhiên ở đồi Siwalik, rừng khô Andhra Pradesh, Tamil Nadu và Karnataka ở độ cao khoảng 700m. Cây neem được trồng và phát triển khắp các vùng khô hơn ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Thái Lan và Indonesia. Cây cũng trở nên phổ biến ở Bán đảo Malaysia, Singapore, Philippines, Úc, Ả Rập Saudi, Châu Phi nhiệt đới, Caribe, Trung và Nam Mỹ.
Năm 1981, hạt giống của cây neem được đưa về trồng thử nghiệm ở khuôn viên Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận. Sau nhiều năm, cây tiếp tục được nhân giống và đến năm 1998, hàng loạt cây con chính thức được đem trồng trên một vùng cát khô cằn thuộc xã Phước Sinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
2. Tổng quan về dầu Neem
2.1 Cảm quan
- Dầu Neem là chất lỏng, sánh có màu xanh lục đến nâu đậm, mùi hắc đặc trưng giống mùi tỏi, vị đắng
- Tỷ trọng tương đối: 0.890 – 0.950
- Chỉ số khúc xạ: 1.460 – 1.470
- Chỉ số iod: 65 – 80
- Chỉ số xà phòng: 175 – 200
- Chỉ số Acid <20
- Định lượng Azadirachtin: 1000 – 2500ppm
2.2 Thành phần hoá học
Hàm lượng dầu trong hạt từ 40-50%. Dầu Neem có các thành phần đa dạng gồm các acid béo và các hợp chất sau:
- Acid béo: acid linoleic (35%), acid oleic (20,5%), acid stearic (20%), acid palmitic (18,6%).
- Triterpenoid: meliantriol, azadiradione, sugiol
- Diterpenoid, sterol, phenol, flavonoid, coumarin
- Limonoid: nimbin, salannin, azadirachtin-A…
Các triterpenoid và limonoid trong dầu neem như: azadirachtin, meliantriol, nimbin, nimbidin, nimbinin, nimbolide và salannin có khả năng chống lại các loại côn trùng gây hại, khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, chống oxi hóa, trong đó quan trọng nhất là azadirachtin.
2.3 Tổng quan về Azadirachtin.
Azadirachtin là một tetranortriterpenoid thuộc nhóm limonoid. Azadirachtin có một số đặc điểm sau:
- công thức hóa học C35H44O16
- Trọng lượng phân tử là 720,71 g/mol,
- Nhạy cảm với acid, base và ánh sáng.
Azadirachtin có cấu tạo phức tạp mang nhiều nhóm chức chứa oxi như: enol-ether, acetal, hemiacetal….
Đây là thành phần quan trọng có mặt trong hầu hết các bộ phận khác nhau của cây neem nhưng hàm lượng cao nhất là ở hạt. Hợp chất này có phổ hoạt động rộng, không độc hại đối với con người và thường được ứng dụng như một loại thuốc trừ sâu sinh học, thuốc diệt và xua đuổi côn trùng sinh học. Ngoài ra, azadirachtin còn được xem là hợp chất tiềm năng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát COVID-19 nhờ có khả năng ức chế protease chính của SARS-CoV-2
3. Sản xuất dầu Neem
Dầu neem được sản xuất chủ yếu từ hạt neem (nhân của quả neem) bằng các phương pháp ép lạnh hoặc chiết xuất dung môi. Trong đó, chiết xuất dung môi là phương pháp phổ biến.
Trước khi được đưa vào sản xuất dầu neem, nguyên liệu được thu hoạch và xử lý như sau:
- Quả neem được thu hoạch khi chín vàng, thường vào mùa khô
- Quả được rửa sạch, loại bỏ bụi bẩn tạp chất.
- Phơi khô quả neem trong 2-3 ngày, sau đó tách quả để lấy hạt
- Hạt neem tiếp tục được phơi khô, sau đó được tách ra để lấy nhân (phần chứa nhiều dầu nhất)
Hai phương pháp sản xuất dầu neem chính:
3.1 Phương pháp ép lạnh.
Quy trình:
- Nhân hạt neem được cho vào máy ép cơ học.
- Máy ép lạnh hoạt động dưới nhiệt độ thấp (dưới 50°C) để giữ nguyên các thành phần hoạt tính của dầu neem, như azadirachtin.
- Lọc, tinh chế, xử lý mùi (Tùy theo yêu cầu ứng dụng)
Ưu điểm:
- Giữ được chất lượng cao, dầu có màu vàng sẫm và mùi đặc trưng.
Nhược điểm:
- Hiệu suất chiết xuất thấp hơn các phương pháp khác.
3.2 Phương pháp chiết xuất dung môi
Quy trình:
- Nhân hạt neem được nghiền thành bột và ngâm trong dung môi hữu cơ (như hexane).
- Dầu được tách ra bằng cách chưng cất để loại bỏ dung môi.
Ưu điểm:
- Thu được lượng dầu tối đa.
Nhược điểm:
- Dầu có thể còn dư lượng dung môi, cần kiểm soát chặt chẽ nếu sản phẩm phục vụ cho mục đích chăm sóc sức khỏe hoặc mỹ phẩm.
4. Ứng dụng của dầu Neem.
Dầu Neem là nguyên liệu đa năng, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp nhờ vào các đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm, chống nấm và đuổi côn trùng tự nhiên. Dưới đây là các ứng dụng chi tiết:
4.1 Sản xuất mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân
Kem dưỡng da và lotion:
- Dầu Neem được sử dụng trong các sản phẩm dưỡng da nhờ khả năng chống viêm, giảm mụn, hỗ trợ điều trị các bệnh như chàm, vảy nến.
- Giàu axit béo và vitamin E, dầu Neem giúp dưỡng ẩm và làm mềm da.
Xà phòng:
- Thường được thêm vào xà phòng để tăng diệt khuẩn, chống viêm, tạo bọt phù hợp cho da nhạy cảm và dễ bị kích ứng.
Dầu gội và dầu xả:
- Chứa hoạt chất chống nấm tự nhiên, dầu Neem giúp điều trị gàu, giảm ngứa da đầu và nuôi dưỡng tóc khỏe mạnh.
Sản phẩm chống lão hóa:
- Dầu Neem giúp làm giảm nếp nhăn và bảo vệ da khỏi tác hại của các gốc tự do nhờ đặc tính chống oxy hóa.
4.2 Ngành nông nghiệp
Thuốc trừ sâu sinh học:
- Azadirachtin, một hoạt chất chính trong dầu Neem, là thành phần tự nhiên chống côn trùng. Nó làm gián đoạn quá trình sinh sản và phát triển của sâu bọ.
- Hiệu quả với nhiều loại côn trùng như rệp, bọ cánh cứng, muỗi, và sâu hại.
Phân bón hữu cơ:
- Kết hợp dầu Neem với phân hữu cơ để cải thiện độ phì nhiêu của đất và bảo vệ cây trồng khỏi nấm và sâu bệnh.
4.3 Ngành sản xuất hóa phẩm gia dụng
Sản phẩm xua đuổi côn trùng:
- Dầu Neem được sử dụng trong chế phẩm xịt hoặc dầu bôi da để đuổi muỗi, ruồi và các loại côn trùng khác.
Chất khử mùi tự nhiên:
- Nhờ khả năng kháng khuẩn, dầu Neem được sử dụng trong các sản phẩm khử mùi cá nhân hoặc gia dụng.
4.4 Ngành dược phẩm
Sản phẩm chăm sóc vết thương:
- Dầu Neem có tính kháng khuẩn và chống viêm, giúp chữa lành vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh da liễu:
- Dùng để làm thành phần trong kem hoặc thuốc mỡ điều trị các bệnh da như viêm da, chàm, và nấm da.
4.5 Ngành sản xuất thú y
Sản phẩm chống ve, bọ chét:
- Dầu Neem được dùng trong các loại dầu gội, xịt hoặc dạng bôi cho thú cưng để xua đuổi bọ chét, ve và côn trùng gây hại.
Thức ăn chăn nuôi:
- Dầu Neem cũng được sử dụng như một chất phụ gia tự nhiên để bảo vệ vật nuôi khỏi ký sinh trùng đường ruột.
4.6 Ngành công nghiệp khác
Chất tẩy rửa sinh học:
- Dầu Neem được thêm vào chất tẩy rửa tự nhiên để tăng cường khả năng khử trùng, thân thiện với môi trường.
Sản phẩm chăm sóc cây cảnh:
- Dầu Neem được dùng trong các loại xịt chăm sóc cây trong nhà để ngăn chặn nấm mốc và sâu bọ.
5. Dầu Neem sản xuất tại VIPSEN – Hiệu Quả, Chất Lượng Vượt Trội.
Dầu Neem sản xuất tại VIPSEN được chiết xuất từ nguồn nguyên liệu chọn lọc, đảm bảo quy trình kiểm soát chặt chẽ và đạt các tiêu chuẩn an toàn cao nhất. Sản phẩm nổi bật với hàm lượng Azadirachtin tự nhiên, mang lại khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, chống nấm và đuổi côn trùng hiệu quả.
Dầu Neem của VIPSEN được ứng dụng rộng rãi trong mỹ phẩm (dầu gội, kem dưỡng da, xà phòng), chăm sóc cá nhân, nông nghiệp (thuốc trừ sâu sinh học, phân bón hữu cơ), dược phẩm và các sản phẩm gia dụng thân thiện với môi trường. Nhà máy sản xuất và sản phẩm đạt chứng nhận GMP, HACCP và ISO22000
Với cam kết chất lượng, VIPSEN đồng hành cùng khách hàng trong việc tạo ra các sản phẩm an toàn, bền vững và hiệu quả.
Tóm lại:
Dầu Neem là nguyên liệu đa năng và thân thiện với môi trường, được ứng dụng trong nhiều ngành sản xuất. Nhờ đặc tính tự nhiên, an toàn, và hiệu quả, dầu Neem không chỉ hỗ trợ cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm “xanh” và bền vững.
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
SĐT/Whatsapp/Zalo/Wechat/Kakao Talk/LINE/Skype/Viber: +84 868 855 086
Email: Info@Vipsen.vn
Địa chỉ: D7-TT9, đường Forosa, khu đô thị mới Xuân Phương, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Địa chỉ xưởng tinh dầu: Bãi Dài, Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội.
Địa chỉ xưởng sản xuất nông sản: Thủ Độ, An Tường, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc
Chia sẻ bài viết này đến bạn bè của bạn
Giúp bạn bè cuả bạn tiếp thu những kiến thức thú vị từ VIPSEN